“Trót gắn với nghề lấy bùn, lấy đất làm kế sinh nhai mà chỉ tỉ mỉ, khéo léo thôi là chưa đủ. Cần có thêm sự đam mê, sáng tạo và đặc biệt cần lắm sự duy trì và phát triển nó trong mọi hoàn cảnh…” – Đó là tâm tư của các nghệ nhân làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) với chúng tôi khi những ngày Tết đến, Xuân về đã cận kề.
Áp dụng công nghệ 4.0
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nhào đất, nghệ nhân Vương Thế Cường vẫn chưa thôi đau đáu trong mình sức sáng tạo, lòng nhiệt huyết của một thanh niên thủa mới làm nghề. “Hơn hai năm đại dịch hoành hành, cả nền kinh tế thế giới còn điêu đứng huống gì một làng nghề truyền thống như chúng tôi” – ông Cường chia sẻ về việc làm ăn của làng trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành.
Nhưng thời điểm khó khăn, dịch bệnh ấy lại là quãng thời gian để các nghệ nhân nhìn lại sản phẩm, có quyết sách cũng như hoàn thiện hơn về những sản phẩm mà mình đang ấp ủ.
“Tôi tiếp cận công nghệ 4.0, bằng cách bán hàng qua mạng. Đây là lĩnh vực mà trước đó tôi chưa hề hay biết. Giờ thì đã có nhiều bạn hàng, có nhiều kênh để giao lưu học hỏi rồi. Hiện tại, hàng tháng gia đình tôi xuất xưởng cũng không thua kém gì thời bán hàng truyền thống, có khi còn bán nhiều hơn” – ông Cường hồ hởi nói.
Chia sẻ về dòng sản phẩm gốm Nhị Hà mà ông là “cha đẻ”, ông Cường cho biết, trước đây, khi quan sát bộ ấm chén Tử Sa của Trung Quốc, ông thấy sự tinh tế trong cách lựa chọn nguyên liệu cho đến nghệ thuật chế tác độc đáo.
“Họ làm được, tại sao chúng ta lại không làm được?” – ông trăn trở và đi tìm câu trả lời.
Ông Cường mất hơn chục năm trời vừa lục tìm tài liệu của ông cha để lại rồi kết hợp với các chuyến điền giã từ Đồng bằng châu thổ sông Hồng đến Trung du miền núi để tìm nguyên liệu. Sau mỗi chuyến đi ông thường sưu tầm về những mẩu gốm, mẫu đất của các vùng miền về nghiên cứu. Và kết quả, năm 2016, sau hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu, chiếc ấm Nhị Hà đầu tiên do ông chế tác đã chính thức ra đời.
Lý giải về cái tên “Nhị Hà”, ông Cường cho hay: Tôi đặt tên gốm Nhị Hà để nhắc nhở, gợi nhớ đến dòng sông Hồng chảy qua làng Bát Tràng này luôn đỏ nặng phù sa.
Cũng bởi chính nơi đây đã bồi đắp lên quê hương của tổ tiên và con cháu sau này. Cũng hi vọng một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng cho làng nghề.
Sáng tạo để tiếp nối nghề gốm cổ truyền
Sinh ra trong một gia đình có bố là nghệ nhân Đức Tân, mẹ là nghệ nhân Thu Hằng, Trần Anh Tú được ví là thế hệ nghệ nhân trẻ khi tiếp tục quyết định theo nghề gốm. Ở tuổi 26, Tú là người thiết kế chính cho các dòng sản phẩm của cha mẹ mình.
“Ngay từ tháng 5, tháng 6 hàng năm tôi đã phải lên ý tưởng, mẫu thiết kế cho dòng sản phẩm của các đơn hàng. Và thời điểm tháng 8, tháng 9 cũng là thời kỳ các đơn hàng đặt đã về ồ ạt; và sản phẩm đã được lên khuôn vào lò” – Tú chia sẻ.
Như bao thế hệ thanh niên khác trong làng, sau khi tốt nghiệp THPT, Tú chọn cho mình một ngành kinh tế để khi trở về có một khối kiến thức để phát triển nghề gốm gia đình. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trở về, vốn kiến thức ấy đối với Tú là chưa đủ. Sau một năm lăn lộn với nghề nhưng không tìm ra lối thoát, năm 2014, Tú quyết định theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành thiết kế gốm.
Lúc bước chân vào học, Tú mới phát hiện ngành học này ở trong nước chưa có tài liệu chuyên sâu công khai nào mà phần lớn đều do người đi trước truyền lại cho người đi sau. Và đặc biệt, mỗi gia đình, mỗi người làm nghề đều có cách thức cảm nhận riêng của mình mà người trong nghề hay gọi là “bí quyết”. Để nghiên cứu, Tú phải lên mạng tìm tài liệu nước ngoài.
Cứ thế, ngoài thời gian lên lớp, thời gian dưới xưởng để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm thực tế từ gia đình truyền lại, thì Tú vùi đầu vào các tài liệu tìm kiếm trên mạng. Tú cũng đăng ký thêm các khóa học trực tuyến với các thầy nước ngoài; Tham gia cộng đồng yêu gốm trên thế giới; Tham gia các cuộc triển lãm Quốc tế…
“Đến giờ, dù làm ra hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm rồi nhưng mỗi lần mở cánh cửa lò nung ra là lại thấy tim đập thình thịch, tay run run, cảm giác lâng lâng khó tả lắm. Đó là thứ cảm giác mà chỉ có những người làm gốm mới có” – Tú nói.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, gia đình Tú đã rất cố gắng để vượt qua. “Chúng tôi thành lập nên các nhóm, các trang mạng để cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ và lưu thương hàng hóa. Đến thời điểm này, hàng tháng gia đình vẫn nhận các đơn hàng trực tuyến, đơn hàng qua mạng xã hội. Đây là kênh chủ lực của chúng tôi trong thời gian qua và cả sau này” – Tú nói.